CHẤT LƯỢNG CỦA SÀN BÊ TÔNG – Một trong những yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới giá thành, chất lượng của sơn epoxy cho nền nhà xưởng.

Bài viết sử dụng cho mục đích hỗ trợ các hoạt động kinh doanh & thương mại của San Epo (SE, JSC), việc sao chép và sử dụng cần nhận được ý kiến cho phép của tác giả.

Có 3 nhóm yếu tố chình ảnh hưởng tới giá thành sơn sàn epoxy cho nhà xưởng

  • Chất lượng của sàn bê tông
  • Yêu cầu kỹ thuật đặc thù của nhà xưởng (khả năng chịu lực, chịu hóa chất, chống tĩnh điện…)
  • Yêu cầu về mặt thẩm mỹ của người sử dụng

Trong phạm vi bài viết này chúng ta cùng phân tích yếu tố Chất lượng sàn bê tông.

Trước hết, chúng ta cần có một cái nhìn chính xác rằng, lớp sơn epoxy hay bất cứ biện pháp hoàn thiện bề mặt nào khác như lát gạch creramic, granit… là lớp áo mặc phía trên nền nhà xưởng. Nó chống mài mòn, bám bẩn và tạo thẩm mỹ đẹp. Còn lớp sàn bê tông bên dưới mới là lớp chịu lực chính đảm bảo bền vững cho công trình.

Cấu tạo nền nhà xưởng thông dụng

Sơn epoxy là quá trình sơn trực tiếp lên bề mặt nền bê tông. Để có được mặt sàn nhà xưởng sơn epoxy có độ phẳng, chịu lực, chống mài mòn tốt thì ngay từ khâu đổ bê tông nền nhà xưởng phải đạt chuẩn.

Ví dụ về sàn bêtông đạt chuẩn

Khi nền bê tông nhà xưởng đạt chuẩn, sẽ đem lại những lợi ích: 

– Chi phí, giá thành cho sơn epoxy sàn nhà xưởng sẽ ở mức tối thiểu do nhà thầu sơn sàn không phải vận dụng các biện pháp “Chuẩn bị bề mặt” để khắc phục các lỗi, khuyết tật của sàn bê tông. 

– An tâm về nền móng sàn bê tông và lớp phủ hoàn thiện (sơn epoxy) trong suốt quá trình sử dụng.

Và để đảm bảo cho nền bê tông đạt chuẩn, một quy trình bao gồm 14 công đoạn được đề xuất như sau:

STTCông tácThiết bị sử dụng chính
1Trắc đạc, bắn mốc tọa độ, cao độ ban đầuMáy toàn đạc điện tử
2Tôn nền bằng cát đen, độ dày 30cmMáy ủi, máy xúc, bàn cào thủ công…
3Lu lèn đầm chặt có tưới nước tạo ẩmLu rung, đầm cóc
4Trắc đạc, xác định cao độ tôn nền bẳng cát đenMáy thủy bình
5Rải bạt chống thấm ngượcNilon, trải 2 lớp kiểu cross
6Bê tông mác M250 đá 1x2cm, dày 15cm, độ sụt 12+-2cm; đổ bằng bơm cần hoặc đổ xảBê tông thương phẩm
7Phụ gia tăng cứng nhanh R7 (7 ngày đạt cường độ)Trộn cùng bê tông khi có y/c gấp rút về tiến độ
8Lấy mẫu, nén mẫu xác định mác bê tôngNhà thầu cấp bê tông thương phẩm và CĐT lấy mẫu độc lập nhau để đối chứng
9San gạt, đầm bê tôngthước cán, đầm dùi, đầm thước
10Trắc đạc, kiểm tra cao độ nền bê tông sau san gạt (xác định độ dày bê tông đổ)Máy thủy bình
11Xoa mặt (gồm cả rắc bột ximang)Máy xoa nền công nghiệp
12Che phủ dưỡng hộ bê tôngBạt che mặt, máy bơm, ống bơm, nước sạch
13Cắt mạch tạo khe coMáy cắt công nghiệp & vật liệu trám trét
14Cắt mạch tạo khe giãnMáy cắt công nghiệp & vật liệu trám trét (lưu ý các biên xung quanh nhà cần chèn xốp Pe dày 2cm để làm khe giãn)
(Các công đoạn thi công nền và sàn bê tông nhà xưởng)

Trong những công tác này có một số công tác tưởng chừng như không quan trọng và vô hại, tuy nhiên với kinh nghiệm hoạt động gần 15 năm trong lĩnh vực xây dựng và thi công sàn epoxy chúng tôi muốn lưu ý như sau:

– Xử lý nền trước khi thực hiện đổ bê tông cho nền nhà xưởng.

Đầu tiên, nền đất trước khi đổ bê tông cần phải được làm phẳng, đầm chắc chắn với khả năng chịu lực nén, chịu tải theo đặc thù của lĩnh vực hoạt động của nhà xưởng. Và hiệu quả hơn cả là việc xử lý nền với 1 lớp cát đầm chặt có tưới nước tạo ẩm trong quá trình lu lèn với độ dày tối thiểu 30cm.

Bản chất của vấn đề ở đây là với nền bê tông không cốt thép có khả năng chịu nén rất tốt, nhưng khả năng chịu kéo thì rất nhỏ. Khi nền được lu lèn đầm chặt mọi vị trí trên toàn bộ nền sàn sẽ chịu lực giàn đều và tại lớp bê tông sàn nhà phía trên chỉ chịu nén nên sẽ rất bền vững do nó chỉ làm việc trong đúng sở trường chịu nén của mình. Còn ngược lại, khi lu lèn kém sẽ xuất hiện các vùng lún khác nhau, chỗ lún sâu, chỗ nông… dẫn đến tại lớp bê tông sàn nhà sẽ xuất hiện ứng suất kéo có khả năng gây nứt và phá hủy cục bộ sàn bê tông.

– Trắc đạc, bắn cao độ trước và sau khi đổ bê tông sàn và lấy mẫu thí nghiệm kiểm chứng mác bê tông:

Nhiều người cho rằng công tác này là không cần thiết, có thể thực hiện bằng thủ công… về cơ bản là như vậy đối với các sàn bê tông diện tích nhỏ, yêu cầu kỹ thuật về chịu lực và độ phẳng thấp. Hãy tưởng tượng ra viễn cảnh với những mặt sàn diện tích lớn hàng ngàn mét vuông, việc lội trong bê tông và dùng cây que hay gậy đo cắm vào các vị trí để xác định độ dày bề tông sẽ bất tiện và khó kiểm soát như thề nào. Trong khi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của bạn, khi chi trả cho đơn vị cung cấp bê tông theo đơn giá tính cho từng m3 bê tông.

Tương tự như vậy, nếu không có công tác đúc mẫu, ép mẫu thì nghiệm tại phòng thí nghiệm độc lập, bạn chỉ có lòng tin để có thế nói rằng bê tông của mình đã đạt mác chịu lực thiết kế M250(B20), M300(B25).

– Chống thấm trước khi đổ bê tông sàn nhà xưởng.

Trải bạt PE chống thấm ngược trước khi đổ bê tông.

Độ ẩm, hơi ẩm chính là một trong những “kẻ thù” ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng sàn epoxy. Chính vì vậy công đoạn chống thấm cho nền sàn nhà xưởng dường như có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc ngăn hơi ẩm còn giúp bê tông giảm mất nước trong quá trình thủy hóa. Giảm được phần nào thời gian và công sức bảo dưỡng sàn bê tông mà chất lượng vẫn được đảm bảo. Phương pháp chống thấm cho nền nhà xưởng sơn epoxy phổ biến và có chi phí hợp lý nhất là trải 2 lớp bạt PE kiểu cross vuông góc nhau. Với bạt PE rất dễ mua trên thị trường và cách làm đơn giản nhưng hiệu quả.

 – Xoa hoàn thiện bề mặt sàn bê tông

Xoa mặt bê tông mới đổ bằng máy xoa nền công nghiệp

Khi lớp bê tông sau khi đổ bắt đầu thủy hóa đạt độ cứng xuyên kim 1mm cần dùng máy xoa nền tạo phẳng bề mặt. Sàn đạt được độ phẳng sẽ giúp quá trình sơn được thuận lợi và thẩm mỹ tốt hơn, hoặc nếu bạn có dùng phương án khác để hoàn thiện bề mặt sàn bê tông như lát gạch … thì chi phí cho phần nhân công, vật tư phụ cán nền trước lát cũng ít hơn rất nhiều.

Lưu ý: Khi đã xác định sẽ dùng phương án sơn Epoxy hoàn thiện bề mặt thì không cần đánh tăng cứng bề mặt nền bê tông, vì sẽ làm giảm độ liên kết và bám dính của sơn với bề mặt sàn bê tông.

– Bảo dưỡng bê tông nền nhà xưởng định kỳ.

Bảo dưỡng, giữ ẩm bề mặt trong quá trình thủy hóa, ninh kết bê tông

Việc dưỡng hộ bê tông bằng cách đơn giản nhất là tưới nước rất quan trọng, do quá trình thủy phân thoát nước nhanh và tỏa lượng nhiệt lớn. Chính vì vậy, nên đảm bảo giữa ẩm bằng nhiều cách khác nhau như: dùng bao bố thấm nước trải trên bề mặt, trải bạt tưới nước, 

Sau 3 tiếng và liên tục trong 7 ngày đầu tiên (tưới 3 giờ 1 lần, tối ít nhất 1 lần). Sau đó đều đặn từ 25 – 30 ngày (tưới ít nhất 3 lần 1 ngày) để tránh hiện tượng rạn chân chim, nứt nẻ (một trong những nguyên nhân gây ngấm nước & làm hỏng kết cấu sàn). Ngoài ra, trong quá trình bảo dưỡng, không nên để bê tông chịu bất kì tải trọng nào. 

Hy vọng bạn đã có thêm 1 số thông tin hữu ích để có những giải pháp mang lại sự hoàn hảo cho công trình. Nếu bạn cần thêm thông tin về quy cách và kinh nghiệm giám sát đổ bê tông sàn nhà xưởng (không nhất thiết là để thi công sơn epoxy) hãy liên hệ với chúng tôi nếu cần theo số đt 0902. 192. 312.

Chúng tôi rất hân hạnh khi có thể cung cấp thêm được thông tin hữu ích đến bạn. Vì chúng tôi cho rằng: “Kiến thức & Kinh nghiệm sẽ chỉ có giá trị khi được áp dụng vào thực tế”.

Trân trọng ./.

Bài viết do “Phòng Kỹ thuật” và “Phòng R&D” – SE, JSC biên soạn.

Bài viết có sử dụng các tài liệu viện dẫn, hình ảnh minh họa từ nhiều nguồn khác nhau nhằm nâng cao sự thân thiện với người đọc. Với các hình ảnh sử dụng, mặc dù đã cố gắng sàng lọc nhưng có thể vẫn có các vấn đề bản quyền. Chúng tôi xin lỗi và sẽ thay thế, thu hồi các hình ảnh này khi có yêu cầu của chủ sở hữu.

San Epo cho phép sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết vào các mục đích phi thương mại./.